Có một Nguyễn Thị Minh Ngọc nhà văn. Có một Nguyễn Thị Minh Ngọc đạo diễn. Nhà biên kịch. Diễn viên. Giảng viên sân khấu. Hoạt động trong ba lãnh vực nghệ thuật, văn học, sân khấu và điện ảnh, ở lãnh vực nào, chị cũng xuất sắc. Viết về Nguyễn Thị Minh Ngọc vì thế là điều không mấy khả dĩ. Bài viết ngắn này gói gọn từ một cuộc nói chuyện về hoàn cảnh sáng tác và công việc của chị trong mùa đại dịch covid-19. Nguyễn Thị Minh Ngọc đang ở đâu? làm gì? viết gì? Khi chúng tôi kết nối được với con người đa tài này, thì chị đang ngồi ở Texas. Có một phần thời gian của năm, nếu không ở Việt Nam, hay đi đến những tiểu bang khác vì công việc, thì chị có thể ở North Dakota, trong một thành phố hình như chỉ có chị và chồng chị là … người Việt Nam. Chúng tôi xin phép được gọi hỏi chị đôi điều ngắn gọn về sinh hoạt viết lách / lịch diễn, công việc đạo diễn của chị trong cao điểm của mùa đại dịch covid-19, thì được chị trả lời : “OK, hiện nay cực kỳ bận rộn, nhưng đồng ý tham gia”. Đó là cách của chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, cực kỳ bận rộn, nhưng lại … chìu chuộng mọi người và chưa học được cách nói “không”.
Khi viết bài này, chúng tôi cũng có chút ngập ngừng không biết phải gọi con người đa tài Nguyễn Thị Minh Ngọc bằng một danh xưng gì cho gọn. Thôi thì chúng tôi tạm gọi bằng tên chị : Nguyễn Thị Minh Ngọc. Mà có lẽ như thế tiện nhất, như cách chúng ta vẫn gọi những tên tuổi trong nghệ thuật bằng tên họ, như gọi Trịnh Công Sơn, gọi Bùi Xuân Phái, gọi Thanh Tâm Tuyền, gọi Lưu Quang Vũ, v.v. Về Nguyễn Thị Minh Ngọc, có lẽ không cần giới thiệu nhiều về chị. Trang wikipedia ( https://vi.wikipedia.org/wiki/ Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_ Minh_Ng%E1%BB%8Dc )
có một vài thông tin căn bản về người nghệ sĩ này, từ tiểu sử, tác phẩm, các giải thưởng … của các lãnh vực khác nhau của nghệ thuật.
Trong mùa covid-19, khi mọi thứ bị ngưng lại, mọi nơi đóng cửa, thì nơi bàn viết lữ thứ của Nguyễn Thị Minh Ngọc, lại … mở rộng. Dĩ nhiên là mở riêng cho chị, cho cõi viết của chị. Không có gì ngạc nhiên, nơi đó, Nguyễn Thị Minh Ngọc làm việc gấp bội thời trước đại dịch. Cũng có thể, càng ngày thì chị làm việc càng “gấp bội” một giai đoạn trước, và cứ thế chất chồng lên theo thời gian. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái có lần gọi Nguyễn Thị Minh Ngọc là “người của giờ thứ 25“. Có thời gian Nguyễn Thị Minh Ngọc đã viết thâu đêm suốt sáng như thế, vì độ công việc không thể nào làm hết trong ngày. Nhưng lúc này, chị đã có chút quan tâm đến mình, đến sức khỏe đang ảnh hưởng phần nào đến tuổi tác. Chị cần thời gian ngủ thêm, không dám thức khuya nhiều, vì đôi lúc sợ bị “rối loạn tiền đình”, chị nói thế. Nói thì vậy thôi, con người Nguyễn Thị Minh Ngọc là con người của công việc, của chữ nghĩa. Ý tưởng từ giờ thứ 25 này tràn qua giờ 0+ của hôm sau. Trong mùa covid-19, chị cho biết đang phác thảo một số scripts mới cùng với đạo diễn Leon Lê, đạo diễn cuốn phim đoạt giải thưởng “Song Lang”, năm 2019. Một trong các kịch bản đó là chị và Leon viết cho bộ phim Công chúa Bokassa, đã được giới thiệu với công chúng, dự định thực hiện năm 2021, nếu mọi chuyện suôn sẻ với các nhà đầu tư và sản xuất mà diễn viên Kim Lý là một. Đây là một cuốn phim lấy đi nhiều thời gian suy ngẫm, research của người viết vì tính toàn cầu của câu chuyện, qua nhiều châu lục. Cho dù là hư cấu, như Nguyễn Thị Minh Ngọc đem hết sự chuyên nghiệp và tài năng mình vào công việc này. Chị còn ấp ủ một cuốn tiểu thuyết thứ hai sau cuốn “Ký Sự người đàn bà bị chồng bỏ”, ra mắt năm 2007. Từ 13 năm qua, chị miên man làm kịch bản, đạo diễn, làm nhiều ở mảng phim điện ảnh và sân khấu, đạt nhiều giải thưởng quan trọng. Chị làm được rất nhiều, nhưng một tác phẩm “rút ruột” cho riêng mình thì cứ “treo” lơ lững trong đầu. Chị còn đang phân vân cho ra mắt một “Hồi Ký Nguyễn Thị Minh Ngọc” ngay trong thời gian mùa dịch này. Một hồi ký có thể do chính mình viết, hay một người khác sẽ chắp bút? Nguyễn Thị Minh Ngọc là một nhà văn luôn đầy ý tưởng và chữ nghĩa, nhưng cũng muốn có một cuốn sách viết về đời mình từ một cái nhìn khách quan. Hoặc giả, Nguyễn Thị Minh Ngọc có thể hư câu hóa một vài câu chuyện để nói điều mình muốn nói. Chị kể: ngay cả cuốn “Tâm thành và Lộc đời”, viết về Thành Lộc, chị cũng xen kẻ những chi tiết như để nói với chính mình …
Nói chung là Nguyễn Thị Minh Ngọc luôn tận dụng triệt để thời gian chị có được. Khi đi bộ, chị viết trong đầu. Khi rửa chén, chị làm việc với kịch bản. Ý tưởng đến với chị có lẽ quá sức chịu đựng cho một bộ não bình thường. Ngồn ngộn. Với một người viết, thì điều đó thôi thúc họ phải bức bách viết ra, gõ xuống … trước khi ý tưởng trôi đi mất. Điều đó cần thời gian thật nhiều, và sự uyển chuyển của không gian mình sống. Trong mùa covid-19, chị hầu như làm việc hoàn toàn từ xa. Nhưng điều đó không gây khó khăn gì cho chị, thậm chí, chị đã luôn từng quen thuộc với cách làm việc từ xa, như chị đã làm khi thực hiện vở kịch “Con Rồng, Cháu Tiên” bằng tiếng Anh cho Long Island Children’s Museum ở New York, trước khi sang đó 10 ngày cuối cùng để tổng ráp toàn vở năm 2011. Chị cũng đã rất nhiều lần làm việc từ xa trong thời gian xây dựng kịch bản sân khấu từ những giai đoạn khởi đầu. Vì thế, covid-19 không gây khó khăn nhiều đến năng suất làm việc của chị với đồng nghiệp, hay với những người đang cần chị giúp đỡ trong việc góp ý kịch bản hay những dự án sân khấu của họ. Chị ở xa biết đâu cũng có cái tĩnh lặng cần thiết cho công việc. Chúng tôi có thể tưởng tượng ra một Nguyễn Thị Minh Ngọc quen biết gần hết nửa trái đất này nhưng lại là người không bù khú văn nghệ, không chiếu trên chiếu dưới, không phe phái. Nguyễn Thị Minh Ngọc ngược lại: chị thân thiện, xuề xòa với đàn em, những người trẻ tuổi. Thật ra, tuổi tác là một ý niệm đứng ngoài nghệ thuật. Trong công việc nghệ thuật, chỉ cần sự đồng hành và tiếng nói chung, tuổi tác chỉ là những ước lệ khuôn phép. Nguyễn Thị Minh Ngọc là người trẻ trung trong nghệ thuật. Những gì chị viết ra đều có nhịp đập của thời đại, cho dù là những ẩn dụ, ẩn ý từ các tác phẩm dựng trong bối cảnh thời xưa cũ. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị luôn kể những kịch bản điện ảnh vẫn còn trên “bàn mổ”, những công việc sân khấu cho cả hai thành phố Sài Gòn và California, nhưng rồi chị vẫn luôn quay về với sự trách cứ chính mình: “mình đã làm gì được cho mình chưa?”. dĩ nhiên câu trả lời là “chưa”. 20, 30 năm qua, khi dấn thân sâu vào sân khấu và điện ảnh, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã bỏ quên những trang viết cho chính mình, một sự quên không vô tình, vẫn luôn đau đáu, nhưng lại như chưa chạm vào nó được. Vì thời gian, vì tâm thức, vì cả tỉ chuyện đang trông chờ vào chị trong thế giới văn chương sân khấu mênh mông này. Nguyễn Thị Minh Ngọc như một người viết siêng năng làm việc … cho người khác. Tác phẩm mơ ước, viết một cách độc lập nhất, không đoàn thể nhất, không nhân danh nhất, lại luôn dang dở. Chị như luôn tỏ ra trách cứ chính mình, rằng mình đã vô tình đối xử tệ với con-người-văn-chương Nguyễn Thị Minh Ngọc. Cho dù nhìn theo một cách khác, viết về người khác, viết về một câu chuyện đời, chuyện người, cũng là đã sống với cảm xúc thật của mình, cũng đôi lần sống và nói cho chính mình nghe. Nhưng vậy vẫn chưa đủ, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn luôn mơ về một tác phẩm quan trọng để lại dấu ấn cho nửa thế kỷ cầm bút, làm một con thiêu thân vào những cơn lửa của nghệ thuật, đã cháy, và đã được nung trong ấy. Thì bây giờ, hơn bao giờ hết, chị muốn trả nợ cho tuổi trẻ mình, trả nợ cho cuộc đời mình, bằng một tác phẩm. Đó là một loại “trả nợ tình … gần”, sau bao nhiêu năm chị đã “trả nợ tình xa”.
Trong cuộc nói chuyện, ngoài đề tài hoàn cảnh sáng tác trong mùa covid, chị cũng tâm sự rằng, nếu ngày xưa chị viết tràn đầy, “bạt mạng” (chữ của chị), và ít nghĩ đến hệ lụy của chính cái mình viết, thì ngày nay chị có thể cẩn trọng hơn, trong bối cảnh văn nghệ đương thời. “Mạng” mình có thể “bạt” nhưng đừng để liên lụy tới những công việc làm chung, (kiểu như đeo mask, không chỉ cho mình mà chủ yếu là để an toàn cho ai đó chung quanh mình). Mong điều đó không ảnh hưởng đến sức sáng tác của chị, khi quỹ thời gian chỉ vơi dần chứ không thể vun thêm. Viết là một sự đối thoại. Mỗi thời điểm, vì thế, người viết đối thoại với một công chúng khác nhau, một môi trường, khí hậu khác nhau. Cộng thêm với sự chín chắn của tuổi đời, những kinh nghiệm sống, cái mình viết ra cũng phản ảnh phần nào tâm thức của chính mình. Mọi thứ khó khăn khác sẽ không làm khó được một người viết thông minh như Nguyễn Thị Minh Ngọc. Chị có cả vạn cách để truyền tải đến với người đọc cái kinh nghiệm sống, quan điểm và thông điệp của mình. Vậy thì hãy cứ tiếp tục cho đi và không đòi hỏi. Chị đã và đang làm, và chị thừa biết điều này. Nguyễn Thị Minh Ngọc đã và đang viết như cuộc đời này là vô hạn. Nếu cứ viết như chẳng có một kết thúc nào chờ đợi phía trước thì sự sáng tạo mới thật sự mạnh mẽ. Rồi mỗi cái “xong”, cái “cho đi”, sẽ có mỗi đời riêng của chúng. Mỗi cuốn sách, mỗi vở kịch, mỗi cuốn phim đều có những số phận riêng của chúng …
Nguyễn Thị Minh Ngọc sáng tác bằng những gì được học, được trải nghiệm trong cuộc đời này. Rồi chị truyền lại cảm hứng cho thế hệ trẻ được chị đào tạo ra. Các học sinh sân khấu thường tìm đến chị để giúp cho ý kiến và kịch bản để tốt nghiệp. Ngay cả trong mùa đại dịch này, có một sinh viên chưa biết mặt ở Los Angeles, nhờ chị viết kịch bản cho phim ngắn tốt nghiệp, đã hoàn tất nhưng chưa quay được vì hoàn cảnh đại dịch bùng lại ở California. Nghĩa là chị giúp mọi người mọi nơi, không nỡ từ chối ai. Đó có thể là một điểm yếu của chị, không biết nói “không” với những người quý trọng mình, nhưng đó cũng là một yếu tố mạnh để hôm nay chúng ta thấy được một hình ảnh Nguyễn Thị Minh Ngọc trên mọi ngõ ngách của nghệ thuật. Chị là người đa đoan và đa cảm. Chưa hết, chị còn nhiều dự án viết về nghệ thuật truyền thống Cải Lương, vì chị vẫn là một giảng viên lâu đời và uy tín ở Trần Hữu Trang và đã đào tạo rất nhiều nghệ sĩ từ đó. Chị nói về dự án làm việc với nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Mỹ Châu, một người đã hoàn toàn rút lui khỏi “showbiz” và không trả lời báo chí từ bấy lâu nay. Rồi ở Mỹ, chị vừa viết xong vở kịch vui ngắn “Món Quà Bất Ngờ” về lịnh giới nghiêm vừa ban hành ở Califonia, đã thu hình vào ngày 11 tháng 12 vừa rồi để phát kịp vào dịp Giáng Sinh 2020 (trong đó có nhắc tên Thống Đốc Newsome trong bốn câu lục bát), với nhiều hình ảnh và ý tưởng rất thời đại. Và cùng thở với nhịp đập thời đại như thế, Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng không hẳn im lặng trước “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đang xảy ra chung quanh mình. Với sự khéo léo và thông minh, Nguyễn Thị Minh Ngọc kể sơ cho chúng tôi về ý tưởng những câu chuyện nói về những hậu quả phát sinh từ một xã hội còn nhiều bất công, tham nhũng được che đậy.
Còn nhiều, còn nhiều lắm. Qua cuộc nói chuyện ngắn với chị, chúng tôi có cảm tưởng rằng Nguyễn Thị Minh Ngọc có thể viết từ giờ thứ 25 này qua giờ thứ 25 khác mà chưa bao giờ cạn ý. Đó là điều tiên quyết cho một nghệ sĩ sáng tạo: ý tưởng và sự nhạy bén với thời cuộc. Nguyễn Thị Minh Ngọc đã dành một tình yêu lớn nhất cho công việc của chị. Cho dù là viết truyện, viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim, làm đạo diễn, làm diễn viên, thì chị đều sống chết với nó. Qua cách kể chuyện của chị, có thể thấy ngay cái lửa đó , cái đam mê đó. Những dự định, dự án, chị dường như không thể dứt ra được, cho dù chị muốn từ chối để sinh ra một cuốn sách riêng cho mình. Chúng tôi có thể thấy ngay, chị đang cố gắng để dành được thời gian cho một tác phẩm riêng cho Nguyễn Thị Minh Ngọc. Có thể chị sẽ thực hiện được. Hy vọng thế. Nhưng chúng tôi cho rằng, quan trọng hơn hết, cuộc đời sáng tác của chị đã là một cuốn sách khổng lồ, cả ngàn ngàn trang, qua biết bao lãnh vực khác nhau của nghệ thuật. Có bao giờ những người nghệ sĩ đích thực như Nguyễn Thị Minh Ngọc lại tìm đến sự nghỉ ngơi, cho dù cuộc đời sáng tác chẳng thể nào là “mười phân vẹn mười”. Chúng tôi chỉ biết một Nguyễn Thị Minh Ngọc say mê chữ nghĩa, say mê công việc, sống / chết với văn chương, sân khấu, với cuộc đời, con người – vì chị đích thực là một loại người mẫn cảm – quá mẫn cảm – ở trong “cõi người ta” này. Một nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc có thể bức xúc bởi “những điều trông thấy” – hơn cả thời đại Nguyễn Du, và chị còn có thể bức xúc bởi cả “những điều không trông thấy” mới đáng nể. Tất cả đó là chất liệu sáng tác quý giá cho một người sáng tạo. Trong mùa đại dịch hay mùa bình an, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn luôn thế, luôn là kẻ đi gieo cầu trong nhân gian để đem đến cho chúng ta cái đẹp của nghệ thuật, thứ có thể cứu cánh con người trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm của cuộc đời. Cuộc đời làm giàu chị và chị làm giàu có lại cho đời sống tinh thần chúng tôi bằng tất cả “hỉ nộ ái ố” của đời sống này. Cám ơn chị, người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Thị Minh Ngọc.
By Phương Thảo – Trường Chinh