Home TÂM TÌNH ƠN GỌI

ƠN GỌI

by thegioi2020

Chúa gọi…

Thầy An sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Hồi nhỏ, An chưa bao giờ có ý định đi tu. Ngược lại, An chỉ mong sống một cuộc sống giản dị. bình thường, và một gia đình êm ấm. An không giỏi nói năng và cũng không có nhiều bạn bè. Học lực của An không nằm trong top 10 nhưng vừa đủ để An được công nhận là học sinh giỏi. Nhìn chung, An không có gì khác biệt với những đứa trẻ cùng trang lứa, ngoại trừ một đặc điểm làm An nổi bật trong mắt những người lớn, đó là tinh thần trách nhiệm. Việc gì người lớn đã giao cho An thì họ đều yên tâm vì biết An sẽ hoàn thành. Về mắt đức tin cũng thế, An làm tròn bổn phận một người công giáo là đi lễ mỗi tuần và đọc kinh mỗi ngày. Có lẽ cuộc sống cùa An sẽ trôi qua một cách bình thường và lặng lẽ nếu như không có bước ngoặt đi Mỹ.

 

Năm An 18 tuổi, gia đình An quyết định di cư sang Mỹ, và từ đó thể giới bình dị của An bỗng đảo lộn. Lần đầu tiên trong cuộc đời An phải đối mặt với thực tế cay nghiệt, gia đình An giờ đây như trên một chiếc thuyền chông chênh giữa một biển trời mới, không có điểm đến và cũng không có chốn về. Trong thời điểm khó khăn này, tinh thần trách nhiệm trong An thúc đẩy cậu trở nên người chèo chống và định hướng cho gia đình. An tự nhủ mình phải học những gì có thể giúp gia đình cậu định cư trên đất nước này. Thế nhưng, đối với một thiếu niên 18 chưa bao giờ phải lo nghĩ việc gì lớn lao hơn bài vở ở trường, giờ đây trên vai An là một áp lực của sự lo toan cho gia đình và nó đã đè nặng tâm tư của cậu thanh niên trẻ này.

Chính trong áp lực của cuộc sống và nỗi thất vọng vì sự yếu đuối của bản thân, một tia sáng hy vọng đã xuất hiện và dẫn đường cho An trong đêm tối. Tia sáng hy vọng đó là Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Câu chuyện cuộc đời của Đức Hồng Y đã dẫn An đến dưới chân thập giá, và khi ngước nhìn lên An thấy một con người đã thấu hiểu được sự đau khổ của An, và An đã hiểu được sự đau khổ của con người trên thập giá này. Không còn lời nào có thể thốt ra được nữa, An ôm chầm lấy thập giá và xác tín rằng đây chính là cơ nghiệp của cuộc đời An.

Nhận định ơn gọi

Từ lúc nhận ra ơn gọi cho đến khi định hướng được ơn gọi là cả một chặng đường. Có ba chiều kích mà An phải liên tục chú ý và rèn giũa để sống đúng với ơn gọi của mình. Chiều kích thứ nhất là cộng đoàn. Sống trong gia đình, An tự nhủ mình phải hoàn thành nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình tuy đó là điều không dễ dàng vì đôi lúc nó quá ngột ngạt và đầy áp lực. Tuy nhiên, sau một ngày mệt mỏi, những giây phút bên gia đình là một món quà mà không có gì so sánh được.

Chiều kích thứ hai là nội tâm. An bắt đầu cuộc sống cầu nguyện để đi sâu hơn vào tâm tình với Chúa. An bắt đầu tập lần chuỗi, đọc kinh phụng vụ, tham dự thánh lễ nhiều hơn. Tuy nhiên, càng đi sâu vào thế giới nội tâm, An nhận thấy những phương pháp cầu nguyện này không thể thỏa mãn cơn khát được biết Chúa sâu thẳm hơn. Cơn khát này đã đưa An đến với Linh Đạo I-nhã và gợi hướng cho An những phương pháp để đến với Chúa trong giờ cầu nguyện. May mắn hơn nữa, An đã nhận được sự chỉ dẫn của một linh mục Dòng Tên và vị linh mục này đã giúp An vượt qua gian nan trong những bước đầu tập tễnh của con đường linh đạo.

Chiều kích thứ ba là mục vụ. An bắt đầu học cách sống phục vụ bằng việc giúp đỡ giáo xứ và hội đoàn. Có lẽ điều lớn lao nhất mà An học được đó là sự khiêm nhường. Lúc khởi đầu, ai cũng xuýt xoa khen ngợi nghĩa cử cao cả của mình. Nhưng sau một thời gian sẽ là những lời chê bai, đố kỵ, gièm pha. An nhận ra rằng dù mình có tận tình đến thế nào đi nữa thì vẫn có người không hài lòng. Lúc đó An hiểu được điều quan trong không phải là đi làm hài lòng mọi người nhưng là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khiêm nhường là khi mình sống đúng với giá trị của con người mình và không phải sống dựa vào cách người khác đánh giá mình.

Trưởng thành trong ba chiều kích ấy, đã đến lúc An phải đối diện với câu hỏi lớn nhất của cuộc đời An. Một hôm, trong lúc cầu nguyện, An bỗng mất đi cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời An. An không rõ tại sao, chỉ biết rằng lúc này, mình đã mất đi định hướng cuộc đời mà mình đã theo đuổi bấy lâu nay. An tự hỏi không biết mình đã làm gì sai mà Chúa đang trách phạt mình. Nhưng khi xét lại thì An thật không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chỉ nhận thấy rằng bây giờ mỗi khi đến với Chúa, An không còn cảm giác gì nữa. Vậy nên An quyết định đem trường hợp này đến hỏi cha linh hướng.

Khi cha nghe An kể xong thì cha cười nhẹ và hỏi An rằng nếu Chúa cứ im lặng như vầy thì An có còn muốn theo Chúa nữa hay không. Cha giải thích với An rằng khi tình cảm giữa An và Chúa còn non nớt thì nó như là một sự đổi chác, vì Chúa cho An những cảm nhận ngọt ngào mà An đến với Chúa. Vậy lúc này đây Chúa muốn hỏi An rằng nếu không còn những cảm nhận ngọt ngào này nữa, An có còn muốn đến với Chúa nữa hay không. Nói cách khác, nếu như không có Thiên Đàng hay Hỏa Ngục, không có một sự ép buộc hay dụ dỗ, mà chỉ đơn giản là sự tự do lựa chọn để đến với Chúa hay không, An chọn cái gì.

Nghe cha nói xong, An ngậm ngùi nhìn lại những giá trị mà mình theo đuổi, có lẽ An đã quá hăng say với lí tưởng làm linh mục để ra giúp đời mà quên đi định hướng duy nhất của cuộc đời An. Lúc đó An tự nhủ rằng đi tu hay không đi tu, làm linh mục hay giáo dân, những chuyện đó không còn quan trọng và không đáng theo đuổi nữa. Chỉ nguyện được theo Chúa, thì làm gì An cũng chấp nhận.

Trớ trêu thay, khi An không còn chí hướng đi tu nữa, thì những cánh cửa lần lượt mở ra trước mắt An. Một lần tình cờ gặp một cha Dòng Tên, qua cuộc nói chuyện, Cha đưa cho An một địa chỉ website của Dòng Tên và dặn An muốn tìm hiểu thì vào ghi danh. Tuy An không còn có ý định nữa nhưng tự nhủ rằng nếu đây là ý Chúa mà mình từ chối thì đó là lỗi của mình, còn nếu đây không phải là ý Chúa thì mình có làm đi chăng nữa thì cũng sẽ không xong. An tự cười với bản thân mình mà nói thầm với Chúa rằng ghi danh thì ghi danh nhưng nếu Chúa muốn An rớt bất kỳ lúc nào thì An cũng vui vẻ mà về, còn nếu Chúa không cho về thì An cứ ở lì đó xem ai kiên nhẫn hơn.

Nói vậy mà vào thật. Mặc dù giai đoạn làm đơn vào dòng cũng đầy gian nan, An vẫn cắn răng mà cố gắng hoàn thành trọn vẹn những gì đã được giao. Nhưng trước khi nộp lá đơn và những giấy tờ liên quan, một lần nữa An phải đối mặt với một câu hỏi lớn, tại sao An muốn vào Dòng Tên?

Trong một lần đi tham qua nhà tập của Dòng, xung quanh An là cả chục người lạ đến từ các vùng miền khác nhau. Chưa bao giờ trong cuộc đời An phải sống xa gia đình và sống giữa những người lạ như vầy. An cảm thấy sợ và không biết rằng liệu mình có thể sống cuộc sống này được hay không. Nhưng qua nỗi sợ đó An cũng nhận ra rằng sâu thẳm bên trong An là một lời mời gọi, rằng An muốn mở lòng mình ra để đón nhận những con người này và cũng muốn chấp nhận để được đi vào lòng họ. Nhận ra lời mời gọi này, An nhẹ lòng mà gởi đi lá đơn của mình.

Gặp gỡ Thiên Chúa

Cuộc sống tu trì thật không dễ, nhưng cũng thật xứng đáng. Thầy An vào dòng Tên cũng gần 5 năm. Vui, buồn, giận, hờn cái gì thầy cũng đã nếm thử. Đôi lúc cuộc sống là những phút giây bình dị giản đơn, đôi lúc là những cơn bão tố mà tưởng chừng như không còn lối thoát. Chương trình huấn luyện của Dòng khá là khó khăn nhưng khi nhìn lại thầy chỉ mỉm cười và tạ ơn Trên đã cho thầy những trải nghiệm ấy để thầy được lớn lên trong ân sủng. Qua một ngày bận rộn với việc học, việc mục vụ, và đời sống cộng đoàn thì thầy lại trở về với căn phòng nhỏ của mình, thầy lặng lẽ quỳ xuống cúi đầu tạ ơn Chúa và trong lúc ấy, thầy có thể cảm nhận được một bàn tay đặt trên vai thầy. Đó là hình bóng của một người đang đứng bên cạnh thầy, nhìn thầy với đôi mắt trìu mến và tràn đầy yêu thương. Thầy mỉm cười và nói, “Giê-su à, An đã về rồi.”

Trích nguyên văn bài viết của thầy : Vũ Hoàng An, SJ

   Thegioi365ngay

You may also like